Nhà máy Mỹ chật vật thay đổi vì đòn thuế của ông Trump
Ngồi trong phòng làm việc, Christopher Scott liên tục lắc đầu khi nhận email tăng giá từ nhà cung cấp để bù lại chi phí từ thuế nhập khẩu.
Vài tuần qua, email và thư cứ đều đặn gửi đến Howard McCray - nhà máy nhỏ với 85 công nhân tại Philadelphia (Mỹ) do Scott làm chủ. Nội dung chủ yếu là tin xấu. Một nhà cung cấp báo tăng giá giá đỡ, công ty khác lại báo tăng giá công tắc điện, bánh xe. McCray cần tất cả những bộ phận đó để làm tủ lạnh cung cấp cho các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump áp thuế lên nhôm thép nhập khẩu, Scott - cũng như rất nhiều chủ nhà máy Mỹ khác - đã phải nhanh chóng chuyển hướng. Ông từng rất lạc quan về năm 2018 với kế hoạch tuyển dụng và đầu tư mua máy mới. Ông cũng từng hy vọng thay được chiếc máy cũ kỹ 30 năm dùng để cắt thép hiện tại bằng máy mới hiện đại hơn và nhanh hơn gấp đôi.
Nhưng giờ, tất cả đều phải dừng lại. Năm nay, McCray đã giảm nửa số tiền chi cho thiết bị cỡ lớn. Scott cũng ngừng tuyển 4 vị trí còn trống. Thay vào đó, ông đề nghị số lao động hiện tại làm việc thêm giờ. “Đó là tất cả những gì thuế nhập khẩu gây ra cho chúng tôi”, Scott cho biết.
Công nhân làm việc trong nhà máy Howard McCray. Ảnh: AP |
Chính sách giảm thuế mà Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái đã giảm đáng kể gánh nặng thuế lên các doanh nghiệp. Chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho biết thuế thấp sẽ tăng tốc đầu tư vào máy móc và thiết bị công nghệ cao. Theo thời gian, các khoản chi này sẽ làm tăng năng suất lao động và kích thích tăng trưởng GDP.
Dù vậy, Scott cho biết, với công ty ông, thuế nhập khẩu đã gần như xóa sổ mọi lợi ích từ giảm thuế. Ngày càng nhiều công ty Mỹ cũng cảm thấy như vậy. Trong quý III, đầu tư vào máy móc cỡ lớn và các thiết bị khác chỉ tăng 0,4% so với năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất trong gần 2 năm qua. Nhu cầu máy tính, thiết bị công nghiệp và hàng hóa khác cũng giảm trong 2 tháng qua.
“Thuế nhập khẩu và khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc đang khiến một số công ty ngừng đầu tư cho năm tới”, Diane Swonk - nhà kinh tế học tại Grant Thornton cho biết.
Thuế nhập khẩu cũng khiến việc kinh doanh của Scott thêm bất ổn. Ông đang làm báo giá cho hai khách hàng tiềm năng. Nhưng điều khiến ông phân vân là nên tăng giá, hay tự chịu - như cách đang làm hiện tại. “Tăng giá bây giờ sẽ mất khách, nhưng không tăng thì sẽ mất tiền”, ông nói.
Mục tiêu của ông Trump khi áp thuế nhập khẩu nhôm thép là hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ, đồng thời thúc đẩy việc làm và tăng trưởng trong ngành kim loại Mỹ. Ông cũng cho rằng hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ làm giảm khả năng Mỹ sản xuất được các sản phẩm cần thiết cho quốc phòng. Quan điểm này đã gây ra rất nhiều tranh cãi.
Dù vậy, trên thực tế, một số công ty vẫn có lợi. Braidy Industries - một hãng sản xuất nhôm gần đây đã động thổ một nhà máy ở Kentucky, cam kết tạo ra 600 việc làm. US Steel cũng đang sẽ chi 750 triệu USD để hiện đại hóa một nhà máy ở Indiana.
Tuy vậy, ở nhiều ngành công nghiệp khác, chi phí tăng đang dần lan rộng. Nhiều nhà kinh tế bắt đầu dự báo năm sau, Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, nửa số hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ cũng đã bị áp thuế.
3M cho biết đã nâng giá để bù lại chi phí hàng hóa tăng do thuế nhập khẩu. Ford Motor cũng nói thuế nhập khẩu sẽ khiến họ thiệt hại 1 tỷ USD cho đến hết năm tới. Caterpillar thì tiết lộ thuế nhập khẩu thép sẽ khiến họ mất thêm gần 100 triệu USD năm nay.
Christopher Scott trong nhà máy tại Philadelphia. Ảnh: AP |
Khi chi phí tăng, Scott phải hạn chế chi tiêu của công ty. Tháng này, khi đến Las Vegas dự một triển lãm thương mại, ông chỉ đưa vợ - cũng là người điều hành nhà máy cùng đi. Năm ngoái, họ đi tới 6 người.
Rob Martin - nhà kinh tế học tại UBS nhận định thuế nhập khẩu của Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1971. Nhưng thập niên 70, thương mại không đóng góp nhiều trong cơ cấu nền kinh tế như bây giờ. Thuế nhập khẩu của ông Trump đưa ra đúng thời điểm Mỹ đã hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu. Nó có nghĩa tác động sẽ lớn hơn rất nhiều.
Scott vẫn đang gánh phần chi phí tăng cao, nhưng ông hy vọng ngày nào đó có thể nâng giá. Dù vậy, trước hết, ông muốn xem các đối thủ lớn hơn giải quyết việc này thế nào. “Chúng tôi không thể nâng giá 10% để mất toàn bộ thị phần mà phải vất vả lắm mới có được”, Scott cho biết.
Nhà máy của ông khá nhỏ, và phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Cũng như nhiều công ty, McCrary vừa hưởng lợi, vừa chịu thiệt từ toàn cầu hóa. Scott đã mở rộng việc kinh doanh sang Canada. 10% doanh thu hiện tại của ông đến từ thị trường này. Vì thế, ông đã thở phào khi Mỹ, Canada và Mexico đạt được thỏa thuận thương mại tháng trước.
Nhưng mặt khác, công ty này cũng sản xuất loại tủ lạnh mà Scott cho biết đối thủ Trung Quốc bán giá rẻ hơn nhiều. Nếu Mỹ đánh thuế loại tủ lạnh đó, Scott sẽ ủng hộ.
Howard McCray còn mua linh kiện từ các hãng phân phối. Mà các hãng này cũng lại mua từ nhà sản xuất khác. Ông không biết họ mua từ đâu, Trung Quốc hay nước nào khác, cho đến khi nhận được thư thông báo tăng giá vì thuế nhập khẩu. Một số sản phẩm thậm chí còn không có hàng thay thế sản xuất tại Mỹ.
Một trong các nhà cung cấp của ông đã nâng giá 10% với loại giá đỡ xuất xứ Trung Quốc, vì vòng thuế nhập khẩu mới nhất mà Mỹ áp lên nước này. Năm sau, thuế còn lên 25%. Các quy định về môi trường tại Mỹ khiến việc sản xuất sản phẩm này ở đây quá đắt đỏ.
Vì thế, hồi tháng 8, Scott đã liều lĩnh đặt mua số sản phẩm đủ dùng trong một năm khi mới nghe tin đồn về thuế. Quyết định này có thể tiết kiệm kha khá tiền cho công ty, nếu năm sau thuế tăng thật.
Nhưng nếu Mỹ đạt thỏa thuận với Trung Quốc trước cuối năm và thuế không tăng nữa, Scott lại thành ra mua quá nhiều. Dù sao, ông cũng chẳng còn lựa chọn nào khác.
“Chúng tôi vẫn sẽ mua hàng Trung Quốc thôi”, Scott nói, “Nếu công ty Mỹ nào sản xuất mặt hàng này, chúng tôi sẽ chuyển ngay”.
Hà Thu (theo AP)